Khi mà giải đấu N4C trị giá 100,000 USD (Tương đương khoảng hơn 2,3 tỷ VNĐ) vẫn còn đang trong giai đoạn tranh tài ở vòng loại, thì mới đây, cộng đồng AOE 4 lại đón nhận thêm tin tức về một giải đấu nữa. Giải đấu tiếp theo có tên gọi The Golden League có tổng giá trị giải thưởng lên đến 125,000 USD, tức là vào khoảng gần 3 tỷ VNĐ.



The Golden League sẽ được tài trợ bởi 3 đơn vị chính là Elite Gaming Channel, Surfshark và Microsoft - nhà phát hành game Đế chế 4. Nhìn vào giá trị giải thưởng cùng các đơn vị tài trợ, dễ nhận ra rằng đây là một giải đấu lớn có quy mô toàn cầu, tương tự như N4C. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng đây là giải đấu ma tất cả các game thủ đến từ khắp nơi trên Thế giới đều có thể ghi tên mình vào danh sách tham dự.


Vòng chung kết của giải đấu sẽ có 64 game thủ tham dự tranh tài. Trong đó, 20 game thủ sẽ được xác định từ vòng loại 1v1 xếp hạng, 20 game thủ được xác định từ vòng loại "Tự động ghép trận", 20 game thủ được xác định từ vòng loại mở, 4 game thủ còn lại sẽ là những game thủ khách mời. Giải đấu sẽ trải dài trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5/2022. 



Sau giải đấu The Golden League, dự kiến Microsoft cùng các đơn vị tài trợ của bên thứ 3 sẽ tiếp tục tổ chức thêm những giải đấu lớn với giá trị giải thưởng thậm chí còn lớn hơn. Điều này đã cho thấy tham vọng rất rõ của nhà phát hành game trong việc đưa Đế chế 4 trở thành một "đế chế" thực sự trong ngành công nghiệp game toàn cầu.


Riêng với cộng đồng AOE 4 Việt Nam, nếu như có một đại diện có thể xuất hiện trong vòng chung kết 64 game thủ cũng có thể coi là một thành công. Tuy nhiên,  cũng chính do những giải đấu quá lớn và mang tính chất toàn cầu đã khiến cho các game thủ Top 1 của AOE Việt Nam chùn chân.



Ngay cả game thủ có tư duy chơi AoE bậc nhất trong cộng đồng AoE 1 là Chim Sẻ Đi Nắng cũng phải thừa nhận rằng không dễ để có thể giật giải ở những giải đấu lớn nói trên. Vì sao lại như vậy?


Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do AoE 4 với hệ thống nền văn minh, các công trình kiến trúc và phím tắt bị thay đổi rất nhiều. Điều đó đòi hỏi người chơi AoE 1 cần dành không ít thời gian để làm quen và học hỏi cách chơi. Còn nếu muốn trở thành cao thủ thì lại càng không phải điều dễ dàng. Đó cũng là lý do cản trở đối với các game thủ của AoE 1, vì họ không có nhiều thời gian đến thế khi hàng ngày đã phải dành hầu hết thời gian cho việc "cày" các kèo đấu AoE giao hữu.


Thứ hai, yếu tố về cấu hình cũng là một điểm cản trở với các game thủ. Dẫu cho các game thủ AoE chuyên nghiệp tại Việt Nam có thu nhập khá cao, tuy nhiên không phải ai cũng sắm cho bản thân mình một bộ máy tính đủ khỏe. Thậm chí nhiều game thủ còn không lắp máy tính thi đấu tại nhà.



Thứ ba, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, đó chính là cách AoE 4 tiếp cận với cộng đồng AoE Việt. Nên nhớ rằng mục tiêu của Microsoft là biến AoE 4 trở thành đế chế thực thụ trong làng game eSports trên toàn Thế giới chứ không chỉ tập trung tại một quốc gia nào cả. Đó chính là lý do vì sao mà họ dồn rất nhiều thời gian, nhân lực và tiền của để không chỉ xây dựng nên trò chơi mà còn tổ chức rất nhiều giải đấu. Đây chính là miếng bánh lớn đối với cộng đồng người chơi game trên toàn cầu. Không ít các cao thủ từ AoE 2, AoE 3, StarCraft,... cũng đã đăng ký tham gia những giải đấu nói trên. Do đó, để có thể cạnh tranh với những cao thủ hàng đầu trên Thế giới ở một tựa game còn khá "xa lạ", các game thủ AoE 1 sẽ gặp muôn vàn khó khăn.